Nhiệt điện khí đang thu hút sự quan tâm của hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Quy hoạch điện 8 dự kiến sẽ không bổ sung thêm dự án nhiệt điện than mới.
Rầm rộ đầu tư nhiệt điện khí
Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1, công suất 1.500 MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành vào năm 2025-2026. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch Điện VIII).
Dự án có quy mô đầu tư gồm: Một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; cảng nhập khí LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm; kho chứa khí công suất 4 x 1,2 triệu tấn/năm, với 4 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000 m3. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa khí và xây dựng lắp đặt trước một bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.
Điện khí được đánh giá là thân thiện với môi trường. |
Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu vực tổ hợp điện khí LNG cũng như quyết định phê duyệt danh mục dự án giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Dự án khi thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí, trình tự, thủ tục và quy định có liên quan.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tỉnh Ninh Thuận đã duyệt, công bố dự án để mời gọi nhà đầu tư quan tâm, sau đó là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Không riêng gì Ninh Thuận, nhiều địa phương gần đây đã trở thành điểm đến của nhiều dự án nhiệt điện khí. Vậy, điện khí có ưu điểm gì so với nhiệt điện than?
Theo Bộ Công Thương, nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Lượng cung khí LNG trên thế giới đang dồi dào với giá cạnh tranh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án điện khí. Điện khí dễ được các tổ chức tín dụng trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi để thu xếp vốn cho dự án, cũng như được ủng hộ từ các nước/tổ chức sản xuất, cung cấp LNG. Thời gian xây dựng một nhà máy điện khí nhanh hơn so với các nhà máy nhiệt điện than.
Đó là những lý do khiến điện khí nhận được “thiện cảm” của nhiều địa phương và hút hàng loạt nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Dấu ấn từ các nhà đầu tư “nội”
Trong bối cảnh quy hoạch điện 8 đang được xây dựng không bổ sung mới các dự án nhiệt điện than (chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than tại quy hoạch 7 và 7 điều chỉnh), điện khí đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỷ trọng nhiệt điện khí trong dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng tăng rất mạnh.
Trong đó, tiến độ các dự án điện khí “chắc chắn xây dựng”, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2020-2025 có 9 nhà máy, với tổng công suất gần 6.500 MW. Các dự án nhiệt điện khí ở dạng có “tiềm năng xây dựng” có tổng công suất lên tới hơn 108 nghìn MW, trải dài từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh cho đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Hai khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ tập trung nhiều nhà máy nhất.
Điện khí sẽ tăng vai trò trong quy hoạch điện 8 |
Tuy nhiên, mức giá sẽ là một trong những nút thắt với dự án điện khí. Nếu giá điện thấp, nhà đầu tư sẽ không thể hoàn vốn và có lãi. Còn nếu giá điện cao sẽ ảnh hưởng đến giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu dùng. Đó cũng là điều Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình từng băn khoăn khi phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020. Với nhu cầu vốn lên đến hàng chục tỷ USD đầu tư cho nguồn điện đến năm 2030, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được nhu cầu.
“Đảng và Nhà nước ta đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam. Nếu không có những điểm mấu chốt như vậy thì không thể khuyến khích được các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia vào thị trường năng lượng”, ông nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với điện khí. Tuy nhiên, công tác lựa chọn nhà đầu tư là điều các địa phương cần đặc biệt quan tâm.
Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận đã ban hành 2 nhóm yêu cầu tiêu chí bắt buộc và tiêu chí đánh giá nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và sẽ khởi công trong quý III/2021, phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024.
Nhiều dự án điện khí do nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện nhưng tiến độ đầu tư vẫn là dấu hỏi. Công tác đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, cam kết bảo lãnh ngoại tệ,… là nút thắt khiến nhiều dự án nguồn điện có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lâm vào bế tắc, đàm phán mất nhiều năm.
Đơn cử, dự án điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW đến nay vẫn chưa thể chốt được giá mua điện khiến tiến độ thực hiện gần như trong tình trạng chờ đợi, dù rằng trước đó nhiều tuyên bố khẳng định giá điện chỉ khoảng 7 cent/kWh (tương đương hơn 1.600 đồng/kWh). Dự án điện khí Sơn Mỹ 2 (Bình Thuận) cũng chưa có dấu hiệu cho thấy có thể khởi công trong ngắn hạn. Trong khi đó, sự phát triển của điện gió, điện mặt trời luôn đòi hỏi phải có những nguồn điện ổn định như điện khí để kịp thời huy động khi công suất điện gió, điện mặt trời đột ngột sụt giảm.
Do đó, việc hàng loạt nhà đầu tư tư nhân trong nước bày tỏ mối quan tâm đến điện khí là một tín hiệu đáng chú ý. Nếu nhà đầu tư “nội” có năng lực và khả năng triển khai dự án lên đến hàng tỷ USD, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để các dự án triển khai đúng tiến độ theo quy hoạch, để không lặp lại tình trạng chậm tiến độ như tại quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh.